Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Lịch sử 6 KN bài 14: Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc

2. THÔNG HIỂU

Câu 1: Nhà nước Văn Lang ra đời trong hoàn cảnh nào? 

Câu 2: Qua sưu tầm tài liệu, em hãy tóm tắt truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” và cho biết truyền thuyết đã phản ánh điều gì? 

Câu 3: Em hãy nêu những công trình văn hoá tiêu biểu của thời Văn Lang - Âu Lạc? 

Câu 4: Những nét chính về sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp của Văn Lang. Tác động của sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp đến đời sống vật chất của cư dân Văn Lang

Câu 5: Nước Âu Lạc được thành lập trong hoàn cảnh nào? 

Bài Làm:

Câu 1: 

Hoàn cảnh ra đời:

- Vào khoảng thế kỉ VII TCN, cư dân Lạc Việt đã sống quây quần ở lưu vực các con sông lớn như sông Hồng, sông Cả, sông Mã,... Do làm nông nghiệp lúa nước nên đời sống sản xuất của cư dân có nhiều chuyển biến và xã hội có sự phân hóa giàu nghèo.

- Do nhu cầu làm thủy lợi và chống ngoại xâm đã thúc đẩy sự liên kết giữa các bộ lạc.

- Các thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang đã thu phục các bộ lạc khác, tự xưng là Hùng Vương, thành lập nhà nước Văn Lang.

Câu 2: 

- Sưu tầm và tóm tắt truyền thuyết: Van - Ngày xưa ở vùng đất Lạc Việt có vị thần tên Lạc Long Quân. Lạc Long Quân tài giỏi, tỉnh thông võ nghệ, là con của vua dưới biển, chàng lên bờ dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, giúp dân có cuộc sống tốt hơn. Chàng giúp dân diệt trừ yêu tinh, cáo chín đuôi. Rồi Lạc Long Quân gặp và kết duyên cùng nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông xinh đẹp. còn làm lành môn VCM là v

- Về sau, Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, từ trăm trứng nở ra một trăm người con khôi ngô tuấn tú. Nhưng vì một người là tiên trên núi, một người là rồng dưới biển nên Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển, Âu Cơ đưa 50 con lên non. Người con trưởng đi theo mẹ, được suy tôn làm vua Hùng trên đất Phong Châu, lập ra nước Văn Lang, là nhà nước đầu tiên của Việt Nam.

- Truyền thuyết phản ánh quá trình hình thành của nhà nước Văn Lang với ý nghĩa đại diện cho cả cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta.

Câu 3: 

Những công trình văn hoá tiêu biểu của thời Văn Lang - Âu Lạc đó là:

- Trống đồng Đông Sơn thể hiện trình độ cao của thuật luyện kim thời Văn Lang - Âu Lạc. Hình ảnh hoa văn trên trống đồng phản ánh những hoạt động tinh thần, cuộc sống của người Việt thời Văn Lang - Âu Lạc. Trống đồng còn là nhạc cụ được sử dụng trong các lễ hội.

- Thành Cổ Loa: là một công trình kiến trúc độc đáo, sáng tạo của nhân dân Âu Lạc, nó còn thể hiện trình độ phát triển cao của cư dân Âu Lạc, được xem là biểu tượng của nền văn minh Việt cổ.

Câu 4: 

Những nét chính về sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp:

- Văn Lang là một nước nông nghiệp. Việc trồng lúa nước đã trở nên phổ biến.

- Để tăng thêm nguồn thức ăn, người ta còn biết trồng nhiều loại rau, đậu, bầu bí.

- Nhiều nghề thủ công cũng phát triển, đặc biệt là nghề luyện kim đồng thau được chuyên môn hóa cao, người ta đã đúc được hàng loạt các công cụ, đồ dùng bằng đồng vừa đẹp, vừa tinh xảo như: lưỡi cày, vũ khí, trống đồng, thạp đồng. Họ cũng bắt đầu biết rèn sắt.

Tác động của sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp:

- Sản xuất nông nghiệp đã tạo ra nguồn lương thực chính như gạo nếp, gạo tẻ; ngoài ra còn có các loại củ khoai, sắn.

- Thức ăn gồm các loại rau củ, các sản phẩm của nghề đánh cá, chăn nuôi, săn bắn.

- Đồ dùng trong gia đình có nhiều loại như nồi, bát, chậu... bằng gốm và đồng thau.

- Cư dân Văn Lang ngày càng thích ứng với thiên nhiên.

Câu 5: 

- Năm 214 TCN, quân Tần ở phương Bắc đánh xuống phần đất sinh sống của các bộ tộc Việt. Người Lạc Việt và người Âu Việt dũng cảm chiến đấu chống quân Tần dưới sự lãnh đạo của Thục Phán.

- Năm 208 TCN, tướng giặc là Đồ Thư bị giết, quân Tần gặp nhiều khó khăn phải rút về nước.

- Sau kháng chiến chống Tần, Thục Phán xưng là An Dương Vương. Ông đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô về Phong Khê (nay là Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội).

- Tên nước Âu Lạc là sự ghép nối tên của hai cư dân Âu Việt và Lạc Việt mà thành.